Tác dụng phụ của thuốc corticoid
Corticoid là một nội tiết tố hai tuyến thượng thận bài tiết vào bên trong máu. Corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch và điều trị thay thế. Tuy nhiên, khi sử dụng corticoid cần đề phòng các tác dụng phụ của thuốc như: tăng nhãn áp, huyết áp cao, phù chân,…
1. Thuốc corticoid
Corticoid là một nội tiết tố do hai tuyến thượng thận bài tiết vào bên trong máu. Corticoid có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch, vì vậy có thể sử dụng để điều trị các loại bệnh khác nhau. Các corticoid được sử dụng dưới bốn dạng chính sau đây:
- Dạng kem thoa: được chỉ định điều trị các bệnh về da
- Dạng thuốc nhỏ mắt
- Dạng khí dung: dùng trong điều trị các bệnh về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản,…
- Dạng toàn thân: được sử dụng dưới dạng uống hoặc tiêm
Hiện nay, corticoid được sử dụng càng ngày càng nhiều và cần lưu ý đến những biến chứng khi sử dụng thuốc.
2. Tác dụng phụ của thuốc corticoid
2.1 Biến chứng sớm
Các biến chứng sớm khi sử dụng thuốc corticoid bao gồm:
- Trên hệ tiêu hóa: Corticoid gây viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, niêm mạc dạ dày và thậm chí là xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra có thể gây viêm tụy cấp nhưng rất hiếm gặp. Những biến chứng này thường gặp trên những bệnh nhân dùng phối hợp kháng viêm không steroid.
- Trên hệ thần kinh: Xảy ra khi sử dụng corticoid liều cao. Người bệnh có biểu hiện triệu chứng như: hưng phấn, rối loạn giấc ngủ, nói sảng, hoang tưởng, trầm cảm. Nếu bệnh nhân có tiền sử tâm thần thì có thể gây rối loạn thần cấp.
- Nhiễm trùng: Do tình trạng ức chế miễn dịch làm giảm sức đề kháng của cơ thể nếu bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng cơ hội với các vi khuẩn thường gặp, và có thể bùng phát lao tiềm ẩn trước đó. Tình trạng nhiễm virus như zona, thủy đậu, herpes trở thành cấp tính. Nhiễm nấm candida, aspergillus,…
2.2 Biến chứng muộn
2.2.1 Biến chứng trên da, niêm mạc và các mô
Khi sử dụng corticoid với liều cao trên mức sinh lý trong một thời gian dài, bệnh nhân sẽ bắt đầu xuất hiện các biến chứng trên da và niêm mạc, các mô cơ, mô mỡ sau 4 tuần, gây nên kiểu hình Cushing. Các triệu chứng bao gồm:
- Da mỏng
- Dễ bị bầm tím
- Rạn da ở vùng ngực, bụng, mông và đùi
- Chậm liền sẹo
- Lông rậm
- Mụn trứng cá do cường androgen
- Dị hóa mỡ: Tái phân bố mỡ ở các vùng như mặt, sau gáy, vùng trên đòn,…
- Dị hóa đạm: Teo cơ chân tay
2.2.2 Biến chứng trên xương
Sử dụng corticoid liều cao trong một thời gian dài sẽ làm ức chế sự phát triển xương và sụn. Dẫn tới chậm phát triển chiều cao, thấp còi ở trẻ em. Đối với người trưởng thành gây ra loãng xương và mất xương. Theo một nghiên cứu, có khoảng 30-50% bệnh nhân sử dụng corticoid liều cao bị gãy xương mà không có chấn thương.
Mật độ xương giảm nhanh sau vài tháng điều trị, tình trạng gãy xương thường xảy ra ở cột sống và cổ xương đùi, đôi khi có gây ra biến chứng hoại tử chỏm xương đùi. Sự hoại tử xương và teo cơ không do nhiễm khuẩn là tác dụng phụ nguy hiểm nhất của corticoid, gây đau dữ dội và giảm cử động.
2.2.3 Biến chứng tại mắt
Biến chứng sử dụng corticoid thường gặp nhất tại mắt là đục thủy tinh thể dưới bao sau, và chiếm khoảng 30% bệnh nhân sử dụng kéo dài.
Ngoài ra, sử dụng corticoid kéo dài có thể gây tăng nhãn áp, viêm loét giác mạc tại chỗ trong điều trị bệnh lý viêm kết mạc,… Vì vậy, những bệnh nhân đang điều trị bằng corticoid cần khám mắt định kỳ 6-12 tháng/lần, đo nhãn áp mỗi 6 tháng/lần
2.2.4 Biến chứng tim mạch
Bệnh nhân sử dụng corticoid kéo dài thường bị tăng huyết áp, huyết áp khó kiểm soát ở những bệnh nhân cao huyết áp và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
2.2.5 Các biến chứng khác
Một số biến chứng muộn khác có thể gặp ở bệnh nhân điều trị bằng corticoid như:
- Rối loạn chuyển hóa: rối loạn lipid máu, tăng đường huyết, nguy cơ mắc đái tháo đường.
- Rối loạn kinh nguyệt
- Rối loạn điện giải: kiềm chuyển hóa, hạ kali máu
2.3 Biến chứng sau khi dùng thuốc
Corticoid là một nội tiết tố do tuyến thượng thận tiết ra, do đó khi sử dụng corticoid liều cao và kéo dài sẽ gây ra suy thượng thận. Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như:
- Mơ hồ
- Cảm giác mệt mỏi
- Ăn uống kém
- Buồn nôn, nôn sau ăn
Để giảm bớt tình trạng này cần giảm liều dần dần. Khi bệnh nhân đã giảm xuống đến mức liều corticoid thay thế, cần tiến hành kiểm tra đánh giá dự trữ của tuyến thượng thận bằng test synacthen 3 tháng/lần.
3. Biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc corticoid
Để phòng ngừa tối đa tác dụng phụ của thuốc corticoid trên người bệnh, cần tiến hành:
- Đánh giá trước khi điều trị:
- Cân nhắc giữa lợi ích và tác dụng phụ khi sử dụng corticoid trên bệnh nhân.
- Lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp như dạng thuốc, liều lượng, và thời gian sử dụng
- Lưu ý đối với những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm và làm bệnh nặng thêm như loét dạ dày tá tràng, nhiễm trùng chưa được xử trí, loạn thần, tăng huyết áp,…
- Thực hiện các xét nghiệm tầm soát trước khi sử dụng như: công thức máu, điện giải đồ, X-quang phổi,…
- Theo dõi khi sử dụng thuốc: cần theo dõi các dấu hiệu triệu chứng tại mắt, xương, tiêu hóa,… Thường xuyên xét nghiệm, đánh giá lại và khám mắt định kỳ trên những bệnh nhân sử dụng corticoid kéo dài.
Ngoài ra, để giảm thiểu tác dụng phụ tối đa, bệnh nhân cần uống thuốc trong bữa ăn hoặc sau khi ăn no, thay đổi lối sống, luyện tập thể dục, kiêng rượu bia, cùng với đó là bổ sung canxi, vitamin D để phòng ngừa loãng xương.
Tóm lại, corticoid được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều cao kéo dài có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và làm nặng thêm tình trạng bệnh. Do đó, trong quá trình điều trị khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.
84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay,Airpay, Momo,Vin Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22hh
Hotline: 1900 636 731