13 cách chữa nhiệt miệng (lở miệng, loét miệng) hiệu quả nhất
Nhiệt miệng là những vết loét tròn hoặc bầu dục, thường nông, bên trong màu trắng đục, xung quanh viêm đỏ khiến bạn khó chịu khi ăn các thực phẩm cay nóng hoặc chua. Vậy đâu là cách chữa nhiệt miệng hiệu quả, bạn hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Súc miệng bằng nước muối
Nước muối có khả năng sát khuẩn cao, làm khô vết loét, an toàn và lành tính. Tuy nhiên, súc miệng bằng nước muối có thể gây cảm giác đau rát tại vị trí loét nhưng cơn đau không kéo dài mà ngược lại giúp vết loét lành nhanh hơn.
Bạn có thể thực hiện súc miệng nước muối tại nhà theo các bước sau:
- Cho 1 thìa cà phê muối hòa tan trong 1/2 cốc nước ấm.
- Ngậm dung dịch này trong miệng từ 15 đến 30 giây, sau đó nhổ ra.
- Lặp lại vài giờ một lần nếu cần.
2. Dùng phèn chua
Theo Y học cổ truyền, phèn chua với đặc tính kháng khuẩn cao có khả năng giảm viêm, làm thu nhỏ các mô và đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương nên được ứng dụng điều trị nhiệt miệng.
Các bước sử dụng phèn chua điều trị nhiệt miệng như sau:
- Trộn một lượng nhỏ bột phèn chua với nước tạo thành một hỗn hợp sệt.
- Chấm hỗn hợp lên vết loét.
- Để yên trong ít nhất 1 phút.
- Súc miệng kỹ.
- Lặp lại hàng ngày cho đến khi hết vết loét.
3. Súc miệng bằng baking soda
Sử dụng baking soda cũng là một trong những cách điều trị nhiệt miệng hiệu quả vì baking soda có khả năng cân bằng độ pH của khoang miệng, giảm viêm, làm cho vết loét nhanh lành.
Cách pha nước súc miệng bằng baking soda như sau:
- Hòa tan 1 muỗng cà phê baking soda trong 1/2 cốc nước.
- Ngậm dung dịch này trong miệng từ 15 đến 30 giây, sau đó nhổ ra.
- Lặp lại vài giờ một lần nếu cần.
4. Ăn sữa chua
Theo một số nghiên cứu, vi khuẩn H.pylori có thể là một trong những nguyên nhân gây nên các vết loét miệng [1]. Sữa chua chứa lợi khuẩn sống giúp tiêu diệt vi khuẩn H.pylori, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị vết loét.
Vì vậy, sử dụng đều đặn 1 hộp sữa chua một ngày rất hữu ích khi gặp tình trạng nhiệt miệng.
5. Thoa mật ong
Theo một nghiên cứu năm 2014 tại Ả Rập Xê Út, mật ong với tác dụng chống viêm, kháng khuẩn được chứng minh là có hiệu quả và an toàn trong việc giảm đau, giảm kích thước và tình trạng sưng đỏ tại vết loét.
Để điều trị, bạn thoa mật ong lên chỗ đau 4 lần/ngày. Lưu ý, bạn nên dùng mật ong nguyên chất, chưa được lọc và khử trùng vì hầu hết mật ong khi được tiệt trùng ở nhiệt độ cao sẽ phá hủy hầu hết các chất dinh dưỡng, không đem đến nhiều hiệu quả khi sử dụng.
6. Trị nhiệt miệng bằng dầu dừa
Acid lauric có trong dầu dừa được nghiên cứu có đặc tính kháng khuẩn. Do đó, khi sử dụng dầu dừa trong nhiệt miệng, nó có thể giúp điều trị vết loét, chống viêm và giảm tình trạng sưng đỏ đau.
Cách điều trị nhiệt miệng bằng dầu dừa: Thoa dầu dừa lên chỗ đau, bôi nhiều lần mỗi ngày cho đến khi vết loét biến mất.
7. Dùng Cúc La Mã
Hai hợp chất azulene và levomenol có chứa trong Cúc La Mã có khả năng chống viêm và khử trùng, giúp chữa lành vết thương và giảm đau trong thời gian bị nhiệt miệng.
Để đạt hiệu quả tốt trong điều trị nhiệt miệng, bạn có thể đắp túi trà Cúc La Mã còn ướt và ấm lên vết loét trong vài phút hoặc súc miệng bằng trà hoa cúc với tần suất 3-4 lần/ngày.
8. Dùng Echinacea (Hoa cúc tím).
Đặc tính tăng cường hệ miễn dịch cũng như chống viêm, chữa lành các vết thương của hoa cúc tím (Echinacea) có tác dụng tích cực đến việc chữa lành và giảm đau tại các vết loét miệng.
Để sử dụng, bạn có thể tiến hành theo các bước sau:
- Thêm khoảng 1 muỗng cà phê dung dịch echinacea (Hoa cúc tím) với nước ấm.
- Súc miệng bằng dung dịch vừa pha trong khoảng 2 phút.
- Nhổ ra hoặc nuốt hỗn hợp và lặp lại với tần suất 2-3 lần/ngày.
9. Dùng trà xô thơm
Trà xô thơm có tác dụng trong điều trị nhiệt miệng nhờ các tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và có khả năng giảm đau. Bạn có thể tìm mua nước súc miệng xô thơm hoặc có thể tự làm tại nhà theo cách sau:
- Thêm nước sôi vào 1 đến 2 muỗng cà phê lá xô thơm tươi.
- Ngâm ít nhất 5 phút.
- Lọc và để nguội dung dịch.
- Sử dụng dung dịch súc miệng trong vài phút.
- Nuốt nước súc miệng hoặc nhổ ra.
10. Dùng giấm táo
Giấm táo là một trong những phương pháp điều trị nhiệt miệng vì acid có trong giấm táo có thể diệt các vi khuẩn tạo nên các vết loét trong khoang miệng. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng trong sử dụng bởi giấm táo có thể gây ra độc tính kể cả khi ở nồng độ thấp 0.7%.
Cách trị nhiệt miệng với giấm táo:
- Cho 1 muỗng cà phê giấm vào 1 cốc nước.
- Súc hỗn hợp này quanh miệng khoảng 30 giây đến 1 phút.
- Nhổ ra và súc miệng kỹ để tránh làm hỏng men răng.
- Lặp lại hàng ngày đến khi vết loét lành
11. Viên ngậm kẽm
Kẽm được biết đến là một khoáng chất tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, đồng thời đẩy nhanh quá trình chữa lành tại các vị trí loét.
Vì vậy, việc sử dụng viên ngậm kẽm cũng là một trong những phương pháp điều trị nhiệt miệng. Cụ thể, bạn ngậm trong miệng đến khi tan hết và phải chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và nghe theo lời khuyên của dược sĩ.
12. Sử dụng oxy già
Việc làm sạch các vết loét khiến vi khuẩn trong khoang miệng không thể sinh sôi, thúc đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét. Và đó là những gì oxy già có thể mang lại trong việc chữa lở miệng.
Để sử dụng, bạn cần:
- Pha loãng oxy già 3% với nước.
- Nhúng bông gòn hoặc tăm bông vào hỗn hợp.
- Đắp hỗn hợp trực tiếp lên vết loét vài lần mỗi ngày.
Oxy già điều trị loét miệng
13. Dùng sữa Magie
Sữa Magie chứa thành phần là Magie Hydroxit. Khi sử dụng, nó bao phủ lên vết loét, ngăn ngừa kích ứng và giảm đau, đồng thời trung hòa acid trong khoang miệng làm cho vết loét không thể phát triển mạnh.
Các bước trị nhiệt miệng với sữa Magie:
- Bôi một lượng nhỏ sữa magie lên vết loét.
- Để yên trong vài giây, sau đó súc sạch miệng với nước
- Lặp lại đến ba lần mỗi ngày.
14. Khi nào cần gặp bác sĩ, dược sĩ
Hầu hết các vết loét khi bị nhiệt miệng có thể tự khỏi và không để lại sẹo sau 2 tuần. Tuy nhiên,nếu có các triệu chứng sau bạn nên thăm khám tại các bác sĩ:
- Vết loét có kích thước lớn hơn 1-3 cm.
- Có nhiều vết loét.
- Vết loét không lành sau 2 tuần.
- Vết loét mới hình thành trước khi vết loét cũ lành lại
- Vết loét lan ra môi .
- Vết loét gây đau nhức, không thể ăn uống được.
- Sốt.
15. Các phương pháp phòng ngừa nhiệt miệng
Không có cách giúp phòng ngừa hoàn toàn bệnh nhiệt miệng. Tuy nhiên, những phương pháp sau có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh
- Hạn chế sử dụng thức ăn và đồ uống quá nóng.
- Ăn chậm, nhai chậm.
- Giảm hoặc loại bỏ các thực phẩm gây kích ứng, chẳng hạn như thức ăn cay, nóng.
- Bổ sung vitamin vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày, đặc biệt là các vitamin nhóm B.
- Uống nhiều nước.
- Hạn chế sử dụng thuốc lá hoặc rượu bia.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng bàn chải mềm.
- Liên hệ với nha sĩ nếu có dấu hiệu kích ứng ở miệng.
- Giảm căng thẳng.
- Che nắng cho đôi môi khi đi dưới ánh nắng mặt trời.
nguồn:st
84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay,Airpay, Momo,Vin Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22h