5 DẤU HIỆU UNG THƯ CỔ TỬ CUNG DỄ NHẬN BIẾT, CHỊ EM ĐỪNG BỎ QUA
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể không rõ ràng. Trong giai đoạn tiến xa, các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm chảy máu, tiết dịch âm đạo bất thường, đau bụng, đau lưng,…
1.Tổng quan
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính đứng hàng thứ tư trong số 10 loại ung thư thường gặp ở nữ giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, ước tính có khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 ca tử vong do căn bệnh này. Khoảng 90% trong số ca bệnh ung thư cổ tử cung đến từ ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
- Vai trò của HPV: Phần lớn ung thư cổ tử cung là do HPV (trên 95% ca bệnh). Khoảng 50% các trường hợp tiền ung thư cổ tử cung được cho là do HPV nguy cơ cao (týp 16 và týp 18). HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục.
- Vai trò của HIV: Phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần so với người không nhiễm HIV.
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV, tầm soát và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư là cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả và kinh tế.
Nhận biết các triệu chứng ung thư cổ tử cung sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phát hiện và điều trị bệnh.
2. Ung thư cổ tử cung là gì?
Là ung thư phát triển từ các tế bào bất thường tại cổ tử cung. Về mặt giải phẫu học, cổ tử cung là phần dưới của tử cung, được nối với âm đạo ở phía dưới và với tử cung ở phía trên.
Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở những phụ nữ trên 30 tuổi.
3. Dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường gặp
Ở giai đoạn sớm, người bệnh ung thư cổ tư cung thường không có biểu hiện hay triệu chứng cụ thể. Khi bệnh ở giai đoạn tiến xa, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ hơn do khối u phát triển tại chỗ gây ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh, cũng như di căn xa tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Các biểu hiện ung thư cổ tử cung có thể là:
- Các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung: Ra máu và tiết dịch âm đạo bất thường, đau và chảy máu khi quan hệ tình dục.
- Các dấu hiệu khi bệnh ở giai đoạn tiến xa: đau vùng chậu, đau lưng, phù chân và đau nhức chân, mệt mỏi, sụt cân, rò phân/nước tiểu qua ngả âm đạo, gãy xương,…
3.1. Chảy máu âm đạo bất thường
Ra máu âm đạo bất thường là một dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung.
Các triệu chứng chảy máu âm đạo thường gặp như:
- Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu sau khi mãn kinh
- Chảy máu giữa các kỳ kinh
- Kinh nguyệt kéo dài
- Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường
3.2. Tiết dịch âm đạo bất thường
Đây cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung.
Các triệu chứng thường gặp như:
- Dịch tiết ra có thể chứa một ít máu, giữa chu kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.
- Dịch tiết có mùi hôi.
- Dịch có màu khác thường (trắng, trong, dạng nước hoặc màu nâu).
3.3. Đau khi quan hệ tình dục
Đây cũng là một trong những dấu hiệu gợi ý ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
3.4. Đau vùng chậu
Đau vùng chậu không phải do ngồi sai tư thế, nằm hay đau không giải thích được có thể là triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Cơn đau thường gặp ở vị trí gần ruột thừa hoặc ở vùng giữa của xương chậu. Đây có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiến xa (khi u chèn ép các cơ quan trong vùng chậu, di căn xương,…).
3.5. Phù chân
Phù chân không giải thích được có thể là một dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Các tế bào ung thư di căn đến các hạch bạch huyết vùng chậu gây chèn ép đường dẫn lưu bạch huyết (còn được gọi là phù bạch huyết).
Các dấu hiệu khác như: Sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, chán ăn kéo dài, gãy xương do di căn xương, rối loạn đại-tiểu tiện do u phát triển gây chèn ép trực tràng-bàng quang,…
4.Tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Tầm soát là phát hiện những thay đổi tiền ung thư hay ung thư giai đoạn sớm khi chưa có dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh, mục đích nhằm điều trị sớm và giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên được thực hiện như sau:
4.1. Khám sàng lọc
Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi
Nên bắt đầu làm xét nghiệm Pap ở tuổi 21. Nếu kết quả xét nghiệm Pap bình thường, lần xét nghiệm Pap tiếp theo có thể làm sau 3 năm.
Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi
- Chỉ làm xét nghiệm Pap: Nếu kết quả bình thường, lần xét nghiệm Pap tiếp theo có thể làm sau 3 năm.
- Chỉ làm xét nghiệm HPV: Nếu kết quả bình thường, lần xét nghiệm tiếp theo sẽ làm sau 5 năm.
- Xét nghiệm HPV kết hợp với xét nghiệm Pap: Đây được gọi là bộ đôi xét nghiệm. Nếu cả hai kết quả đều bình thường, lần sàng lọc tiếp theo có thể được tiến hành sau 5 năm.
Phụ nữ trên 65 tuổi
Những trường hợp không cần thiết phải tầm soát trong nhóm tuổi này như: Những phụ nữ đã có kết quả xét nghiệm tầm soát bình thường trong nhiều năm, những phụ nữ đã được cắt bỏ cổ tử cung trong điều trị bệnh lý lành tính như u xơ tử cung,…
Những lưu ý trước khi tiến hành xét nghiệm Pap hoặc HPV:
- Không nên tiến hành vào thời điểm đang có kinh, hoặc trước kỳ kinh 2 ngày.
- Không nên thụt rửa âm đạo.
- Không nên sử dụng tampon.
- Không nên quan hệ tình dục.
- Không nên dùng thuốc hoặc kem bôi vào âm đạo.
4.2. Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV có thể giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm Pap
Giúp phát hiện dấu hiệu tiền ung thư, những thay đổi tế bào trên cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung nếu không được điều trị thích hợp.
Trong quá trình xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ bằng nhựa hoặc kim loại (được gọi là mỏ vịt) để mở rộng âm đạo. Điều này giúp bác sĩ quan sát âm đạo và cổ tử cung, đồng thời bệnh phẩm tế bào và chất nhầy từ cổ tử cung sẽ được lấy ra để xét nghiệm.
Xét nghiệm HPV
Giúp xác định các týp virus HPV, đặc biệt các týp có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung (týp 16, 18) trên mẫu bệnh phẩm.
5. Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), điều quan trọng nhất có thể làm để giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc xin dự phòng và làm các xét nghiệm tầm soát định kỳ.
Vắc xin phòng ngừa HPV
Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV giúp bảo vệ cơ thể chống lại các loại virus HPV thường gây ra ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ. Tuy nhiên, tiêm vắc xin không thể thay thế cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
Tại Mỹ, tiêm phòng HPV được khuyến cáo cho trẻ em gái từ 11 tuổi đến 12 tuổi, nhưng có thể được tiêm bắt đầu từ 9 tuổi.
Tại Việt Nam, thuốc chủng ngừa HPV cũng được khuyến cáo cho tất cả nữ giới từ 26 tuổi trở xuống, nếu chưa từng được chủng ngừa.
Lưu ý
Tiêm phòng HPV thường không được khuyến cáo cho phụ nữ trên 26 tuổi do những phụ nữ ở độ tuổi này thường đã phơi nhiễm với HPV và ít mang lại lợi ích dự phòng. Tuy nhiên, một số phụ nữ trong độ tuổi từ 27 đến 45 tuổi và chưa được chủng ngừa có thể được tiêm phòng HPV sau khi thảo luận với bác sĩ về nguy cơ nhiễm chủng HPV mới, cũng như những lợi ích có thể có của việc tiêm phòng.
Trẻ em gái dưới 15 tuổi sẽ được tiêm 2 liều vắc xin, mỗi liều cách nhau từ 6-12 tháng. Với những trẻ từ 15 tuổi trở lên, tiêm 3 liều cách nhau 6 tháng.
nguồn:st
CS1: 84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
CS2: Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
CS3: 31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
CS4: Phúc Xuyên ( cụm 11) Võng xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22h