Trang chủ  Blog sức khỏe  Các bệnh về da thường gặp sau mưa lũ

Các bệnh về da thường gặp sau mưa lũ

Các bệnh về da thường gặp sau mưa lũ

Nên rửa sạch da, thoa kem và dùng thuốc phù hợp, vệ sinh đồ đạc và môi trường sau mưa lũ để tránh viêm da, nấm hay nhiễm trùng.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Trưởng Đơn vị Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, da tiếp xúc với bùn đất, nước ô nhiễm, rác thải dồn ứ và điều kiện vệ sinh không đảm bảo do mưa lũ, có thể mắc nhiều bệnh.

1. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc xảy ra do hóa chất hoặc chất kích ứng vật lý xâm nhập vào hàng rào bảo vệ da, làm hỏng bề mặt da nhanh hơn tốc độ phục hồi. Các chất kích ứng, dị ứng phổ biến bao gồm thuốc trừ sâu, hóa chất tẩy rửa, hóa chất ăn mòn, dung môi…

Tình trạng này thường xảy ra ở tay chân, gây đỏ, bỏng rát, châm chích, ngứa, đau nhức tại vị trí tiếp xúc với chất kích ứng. Các triệu chứng thường giảm dần sau 1-2 ngày nếu dừng tiếp xúc với chất kích ứng.

Bác sĩ Bích khuyên nên rửa sạch da bằng nước sạch sau khi tiếp xúc với vùng nước ngập, lau khô da và thoa kem hoặc gel tạo lớp bảo vệ cho da. Người bị viêm da cơ địa cần thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên để bảo vệ và phục hồi lớp ngoài cùng của da.

Để giảm các triệu chứng ngứa, bôi corticosteroid tại chỗ lên vùng da bị ảnh hưởng hoặc uống thuốc kháng histamine. Cố gắng bảo vệ vùng da này để ngăn ngừa các biến chứng thứ phát do kích ứng, dị ứng kéo dài lặp lại dẫn đến dày da, bội nhiễm nấm và vi khuẩn, khó điều trị.

2. Nấm da

Nước bẩn tù đọng và không khí ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm phát triển và xâm nhập, gây nấm da, đặc biệt là ở vùng chân. Các triệu chứng nhiễm trùng da do nấm gồm ngứa, bong tróc da giữa các ngón chân hoặc ngón tay. Nấm da có thể được điều trị bằng thuốc mỡ, kem và thuốc chống nấm.

Cần giữ da khô ráo, nhất là các vùng kẽ (vùng nếp gấp da) như giữa các ngón tay, ngón chân, nách, bẹn và nơi mồ hôi dễ đọng lại. Tránh ngâm da, không làm cho da ẩm ướt và phơi khô quần áo để ngăn ngừa nấm.

Người dân lội nước ngập rác thải trôi nổi ở bãi giữa Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội, hôm 10/9. Ảnh: Giang Huy
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người dân lội nước ngập rác thải trôi nổi ở bãi giữa Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội, hôm 10/9. Ảnh: Giang Huy

3. Nhiễm trùng da

Da có hàng rào tự nhiên chống lại vi khuẩn. Tuy nhiên, môi trường ô nhiễm, các vật sắc nhọn trôi nổi trong nước lũ, lao động dọn dẹp sau khi nước rút dễ gây tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn tăng lên nếu có vết thương hở và ở người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy tĩnh mạch mạn tính, suy yếu thần kinh ngoại biên, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch, bệnh huyết áp…

Vị trí nhiễm trùng ban đầu sưng đỏ, sau đó nhanh chóng tiến triển thành mụn mủ, viêm và phù nề mô xung quanh. Các vi khuẩn tụ cầu và liên cầu là tác nhân gây bệnh phổ biến dẫn đến nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn.

Nên rửa tay trước và sau khi chạm vào vết thương. Dùng dung dịch sát khuẩn như iốt (betadin) để rửa vết thương, băng bằng gạc hoặc vải sạch. Thoa kem sát trùng để tiêu diệt vi khuẩn và vi trùng còn sót lại. Thuốc kháng sinh dự phòng thường được kê trong trường hợp vết thương bị nhiễm bẩn, có nguy cơ cao nhiễm trùng nặng.

4. Côn trùng cắn

Sau lũ lụt, trứng muỗi đẻ trong đất tạo ra một quần thể muỗi rất lớn. Lượng mưa tăng cũng làm tăng số lượng trứng muỗi nở. Triệu chứng do muỗi đốt là các nốt sưng và đỏ xuất hiện sau vài phút, có thể phát triển mụn nước nhỏ, xung quanh có hồng ban (hồng ban biến mất khi căng da) và ngứa.

Nên mặc quần áo dài tay, sử dụng màn chống muỗi và thoa thuốc chống côn trùng. Loại bỏ các vũng nước đọng nơi muỗi có thể đẻ trứng. Cọ rửa, lật úp, che phủ hoặc vứt bỏ các vật dụng có thể chứa nước bao gồm lốp xe, đồ chơi, chậu hoa, thùng rác…

Khi bị muỗi đốt, hãy rửa vùng da này bằng xà phòng và nước, chườm đá nếu có trong 10 phút để giảm sưng và ngứa. Sử dụng kem chống ngứa hoặc kem kháng histamine không kê đơn tại hiệu thuốc giúp giảm ngứa. Tâm lý căng thẳng và lo lắng do lũ lụt, điều kiện vệ sinh kém (mất điện và mất nước do thiên tai), không thể dùng thuốc đầy đủ theo chỉ định cũng có thể khiến các bệnh ngoài da có sẵn như viêm da dị ứng, rụng tóc từng mảng, bệnh vảy nến… tiến triển trầm trọng hơn.

Bác sĩ Bích khuyến cáo sau khi nước rút nên nhanh chóng vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giặt sạch quần áo bị nhiễm bẩn. Hạn chế tối đa lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn, tù đọng. Người phải tiếp xúc với nước lũ nên đi ủng, đeo găng tay cao su, nhất là người có vết thương hở.

Không tắm giặt bằng nước sông, suối hoặc hồ lúc này vì thường chứa nhiều rác thải, hóa chất gây bệnh. Trang bị một số dung dịch sát khuẩn như oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B… để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn. Liên hệ với nhân viên y tế nếu gặp các tình trạng nghiêm trọng về da để được xử lý kịp thời.

nguồn:st

Nhà Thuốc Gia Đình:

CS1: 84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

CS2: Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội

CS3: 31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

CS4: Phúc Xuyên ( cụm 11) Võng xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội

Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22h

Bài viết liên quan

Giỏ hàng của bạn
1900 636 731