Hậu Covid-19 cần bổ sung vitamin gì – 3 nhóm vitamin cần ưu tiên hàng đầu!
Sau khi khỏi Covid-19, cơ thể người bệnh bị suy yếu, thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin. Vì thế, hậu Covid-19 cần bổ sung vitamin gì là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Hãy cùng MEDLATEC giải đáp thắc mắc này trong bài viết nhé!
Để cải thiện sức khỏe hậu Covid-19, nên bổ sung các loại vitamin cần thiết cho cơ thể từ nguồn thức ăn hàng ngày. Cụ thể, nên ưu tiên các nhóm vitamin sau:
1. Vitamin C
Vitamin C là chất cần thiết nhất đối với người vừa hồi phục sức khoẻ sau Covid-19. Dưỡng chất có tác dụng tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, vi rút và các yếu tố gây bệnh khác từ ngoài môi trường. Đặc biệt, vitamin giúp cải thiện các triệu chứng về hô hấp, giảm viêm toàn thân, giảm viêm phổi – biến chứng nguy hiểm do Covid-19 có thể gây ra tình trạng suy hô hấp hoặc nặng hơn nữa là tử vong.
Vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng hậu Covid-19
Các thực phẩm được biết đến với hàm lượng vitamin C dồi dào như: cam, dứa, súp lơ, dâu tây, đu đủ, ớt chuông, bông cải xanh, cải xoăn, ổi,… Tuy việc bổ sung vitamin là cần thiết nhưng bạn cũng không nên quá lạm dụng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, lượng vitamin C mỗi người lớn cần nạp vào mỗi ngày không nên vượt quá 2000mg/ngày. Tuy nhiên, con số đó còn phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác và nhu cầu của mỗi người.
2. Vitamin B
Suy giảm nhận thức, giảm khả năng ghi nhớ, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ,… là các di chứng hậu Covid-19 thường gặp. Để cải thiện các tình trạng trên cần bổ sung các vitamin nhóm B như B1, B2, B6, B9 và B12:
-
Vitamin B1 có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại các yếu tố gây bệnh.
-
Vitamin B2 giúp chống viêm và giảm viêm hiệu quả.
-
Vitamin B6 có thể hạn chế các di chứng do Covid-19 để lại.
-
Vitamin B9 có chức năng kiểm soát các vấn đề về hô hấp do Covid gây ra.
-
Vitamin B12 chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút gây ra, bao gồm cả SARS-COV-2.
Vitamin B có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt
Các loại vitamin nhóm B này có nhiều trong các nguồn thực phẩm từ động vật như: thịt gà, cá hồi, trứng, sữa,… cùng các loại hoa quả, rau củ như: dâu tây, ngô và các loại hạt,… Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý không bổ sung quá 250mg vitamin B1 trong 1 ngày và tối đa 1.7mg B6 để hạn chế các tổn thương liên quan đến thần kinh.
3. Vitamin D
Vitamin D có tác dụng duy trì nồng độ canxi và phốt pho trong máu ở mức tối ưu mà bạn có thể thu nhận được bằng việc tiếp nhận từ nguồn thức ăn hoặc ánh nắng mặt trời. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bổ sung vitamin D giúp cơ thể hạn chế đáng kể các nguy cơ gây viêm và nhiễm trùng đường hô hấp.
Bạn và người thân có thể bổ sung vitamin bằng việc sử dụng thuốc, thu nhận từ thức ăn hàng ngày hay từ ánh nắng mặt trời. Đối với việc sử dụng viên bổ sung vitamin D, cần sử dụng đúng liều lượng theo khuyến cáo y tế và theo từng đối tượng khác nhau:
-
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi): mỗi ngày tối đa 400 IU.
-
Trẻ trên 1 tuổi và người lớn dưới 700: không quá 600 IU mỗi ngày.
-
Người già trên 700 tuổi: khoảng 800 IU mỗi ngày.
Đối với việc cung cấp vitamin D từ nguồn thức ăn hàng ngày, bạn hãy lựa chọn các thực phẩm giàu hàm lượng như lòng đỏ trứng, thịt bò, dầu cá, nấm, cá thu, cá ngừ, cá hồi, sữa chua, ngũ cốc, nước cam, sữa,… Đây được biết đến là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào cho cơ thể.
Nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D hậu Covid-19
Ngoài ra, ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D vô tận mà chúng ta có. Chỉ cần bỏ ra 15 phút phơi nắng là bạn đã hấp thụ đủ lượng vitamin cần thiết cho 1 ngày. Ước tính, 15 phút đó bạn đã có thể hấp thụ từ 3000 – 5000 IU vitamin D. Tuy nhiên, cần chọn thời gian thích hợp để phơi nắng, vào lúc sáng sớm là thời gian lý tưởng nhất và không nên phơi nắng trong thời tiết nắng gắt.