Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị khi cơ thể thiếu vitamin B6
Vitamin B6 là một trong những chất vô cùng cần thiết cho hoạt động của cơ thể, do đó thiếu vitamin này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Hãy theo dõi bài viết để biết được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khi cơ thể thiếu vitamin B6.
Đa số mọi người đều nạp đủ vitamin B6 thông qua chế độ ăn uống, thế nhưng nếu bạn bị thiếu vitamin B phức hợp khác như folate và B12, thì nhiều khả năng bạn cũng thiếu vitamin B6. Sự thiếu hụt vitamin B6 thường phổ biến hơn ở những người bị bệnh gan, thận, tiêu hóa hoặc mắc các bệnh tự miễn dịch; cũng như những người hút thuốc, béo phì, nghiện rượu và phụ nữ mang thai.
Dưới đây là mọi thông tin cần biết về tình trạng thiếu vitamin B6:
1. Nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin B6
Vì vitamin B6 có trong nhiều loại thực phẩm nên sự thiếu hụt loại vitamin thường ít khi do ăn không đủ, ngoại trừ trường hợp suy dinh dưỡng nặng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt cũng có thể xảy ra, bởi quá trình chế biến có thể khiến vitamin B6 bị loại bỏ khỏi thực phẩm.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin B6 thường do:
1.1 Suy giảm khả năng hấp thụ thức ăn (rối loạn hấp thu)
Hội chứng kém hấp thu thức ăn đề cập đến một số rối loạn, trong đó các chất dinh dưỡng từ thức ăn không được hấp thu đúng cách ở ruột non. Ngoài ra, một số tình trạng nhiễm trùng và thủ thuật có thể gây ra tình trạng kém hấp thu. Những người mắc hội chứng rối loạn hấp thu cũng có nguy cơ thiếu vitamin B6.
1.2 Nghiện rượu
Rượu (ethanol) là một chất có khả năng gây trầm cảm ở người. Việc uống một lượng lớn rượu hoặc uống rượu quá thường xuyên có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Trong đó, người nghiện rượu trong thời gian dài có thể làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan.
Ngoài ra, người nghiện rượu không ăn uống đầy đủ, họ phải đối diện với tình trạng thiếu vitamin và các chất dinh dưỡng khác; và tình trạng thiếu vitamin B6 không phải là ngoại lệ.
1.3 Chế độ ăn uống không đầy đủ
Cơ thể con người không thể trực tiếp sản xuất ra vitamin B, tuy nhiên đó không phải là vấn đề quá đáng lo bởi bạn hoàn toàn có thể nạp đủ vitamin B thông qua thực phẩm bạn ăn. Nếu tuân theo một chế độ ăn uống cân đối, bạn có thể tránh được tình trạng thiếu hụt các loại vitamin B.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đôi khi chúng ta không ăn uống cân bằng các loại thực phẩm để có đủ lượng vitamin cần thiết, và vitamin B6 cũng vậy. Đôi khi chế độ ăn uống không điều độ là một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu vitamin B6.
1.4 Sử dụng thuốc làm cạn kiệt vitamin B6 dự trữ trong cơ thể
Có một số loại thuốc khiến người sử dụng bị cạn kiệt nguồn vitamin B6 dự trữ trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B6. Các loại thuốc này bao gồm thuốc chống co giật, thuốc isoniazid dùng điều trị bệnh lao, hydralazine đùng điều trị cao huyết áp, penicillamine corticosteroid được dùng trong điều trị để điều trị các rối loạn như viêm khớp dạng thấp và bệnh Wilson.
2. Triệu chứng thiếu vitamin B6
Dưới đây là 9 dấu hiệu và triệu chứng thiếu vitamin B6:
2.1 Phát ban da
Thiếu vitamin B6 là một trong những nguyên nhân gây ra phát ban đỏ kèm ngứa, hay còn gọi là viêm da tiết bã. Phát ban do thiếu vitamin B6 có thể xuất hiện trên da đầu, mặt, cổ và ngực của người bệnh. Tình trạng da phát ban thường nhờn, bong tróc, có thể gây sưng tấy hoặc xuất hiện các mảng trắng trên da.
Lý do khiến thiếu vitamin B6 có thể dẫn đến triệu chứng phát ban trên da là do vitamin này giúp tổng hợp collagen, vô cùng cần thiết cho làn da khỏe mạnh. Trong những trường hợp này, bổ sung vitamin B6 có thể khiến da hết phát ban một cách nhanh chóng.
2.2 Nứt nẻ môi
Một dấu hiệu thiếu vitamin B6 khác dễ nhận thấy đó là môi người bệnh bị sưng tấy, đỏ và nứt nẻ. Khu vực môi bị nứt nẻ có thể bị chảy máu và nhiễm trùng. Ngoài việc khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, tình trạng môi nứt nẻ có thể khiến các hoạt động như ăn uống và nói chuyện trở nên khó khăn.
2.3 Lưỡi bóng và đau
Nếu bị thiếu vitamin B6, lưỡi của bạn có thể bị sưng đau, nhẵn bóng, viêm và tấy đỏ. Đây được gọi là tình trạng viêm lưỡi; bề mặt lưỡi nhẵn bóng do các nhú lưỡi mất đi. Viêm lưỡi có thể khiến bạn gặp các vấn đề về nhai, nuốt và nói chuyện.
2.4 Thay đổi tâm trạng
Triệu chứng thiếu vitamin B6 tiếp theo chính là sự thay đổi tâm trạng, đôi khi gây ra trầm cảm, lo lắng, khó chịu và tăng cảm giác đau.
Triệu chứng này xảy ra là do vitamin B6 tham gia vào việc tạo ra một số chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như axit gamma-aminobutyric (GABA) và serotonin. Cả GABA và serotonin đều giúp cơ thể kiểm soát sự lo lắng và cảm giác đau đớn.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, bổ sung 50 – 80 mg B6 mỗi ngày có thể giúp điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), chẳng hạn như buồn bực, cáu kỉnh, lo lắng và trầm cảm
2.5 Chức năng miễn dịch suy yếu
Hệ thống miễn dịch hoạt động tốt là chìa khóa để cơ thể ngăn ngừa nhiễm trùng, viêm và nhiều loại bệnh ung thư khác nhau. Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, bao gồm cả vitamin B6 có thể khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Cụ thể hơn, thiếu vitamin B6 có thể dẫn đến việc giảm sản xuất các kháng thể cần thiết để chống lại nhiễm trùng
2.6 Cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng
Một triệu chứng thiếu vitamin B6 khác là bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và uể oải bất thường. Điều này xảy ra là do vitamin B6 có vai trò lớn trong việc tạo ra hemoglobin – một loại protein trong các tế bào hồng cầu giúp mang oxy đi khắp cơ thể. Nếu các tế bào không nhân đủ oxy do quá ít hemoglobin thì sẽ gây ra tình trạng thiếu máu. Điều đó có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải và thiếu năng lượng.
Bên cạnh cảm giác mệt mỏi do thiếu máu, tình trạng thiếu vitamin B6 cũng có thể góp phần gây mệt mỏi do vai trò của nó trong việc tạo ra hormone kích thích giấc ngủ melatonin.
2.7 Ngứa ran và đau ở các chi
Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể gây ra tổn thương thần kinh được gọi là bệnh thần kinh ngoại vi. Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại vi do thiếu vitamin B6 thường là đau rát và ngứa ran ở cánh tay, chân, bàn tay và bàn chân của bạn. Ngoài ra, tổn thương dây thần kinh cũng có thể khiến bạn vụng về, mất thăng bằng và đi lại khó khăn.
2.8 Động kinh
Một dấu hiệu khác có thể do thiếu hụt vitamin B6 đó là tình trạng động kinh. Nếu thiếu vitamin B6, cơ thể không tạo ra đủ lượng chất dẫn truyền thần kinh làm dịu GABA khiến não của bạn có thể bị kích thích quá mức.
Động kinh có thể gây ra các triệu chứng như co thắt cơ, đảo mắt liên tục và tay chân co giật. Đôi khi, người bệnh còn bị run rẩy, co giật không kiểm soát được hoặc mất ý thức.
Ngoài ra, thiếu vitamin B6 được biết đến là nguyên nhân gây co giật ở trẻ sơ sinh. Những trường hợp đầu tiên ghi nhận vào những năm 1950 khi trẻ bú sữa công thức không có đủ vitamin B6.
Gần đây, co giật do thiếu vitamin B6 được báo cáo ở người lớn. Những trường hợp này thường được phát hiện ở phụ nữ mang thai, nghiện rượu và tương tác thuốc hoặc mắc bệnh gan
2.9 Homocysteine tăng cao
Homocysteine là một sản phẩm phụ được tạo ra trong quá trình cơ thể tiêu hóa protein. Sự thiếu hụt vitamin B6 có thể dẫn đến việc nồng độ homocysteine trong máu cao bất thường
Mức homocysteine tăng cao có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bệnh tim, đột quỵ, và bệnh Alzheimer. Khi homocysteine tăng cao, nó có thể làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh.
3. Điều trị khi thiếu vitamin B6
Việc điều trị thiếu vitamin B6 phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Nếu sự thiếu hụt do sử dụng một số loại thuốc khiến lượng vitamin B6 dự trữ bị cạn kiệt, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung vitamin B6 bằng đường uống. Uống vitamin B6 thường có thể khắc phục sự thiếu hụt loại vitamin này ở người lớn.
Liều dùng Vitamin B6
Thông thường, vitamin B6 được bác sĩ kê đơn uống 50-100 mg mỗi ngày một lần để điều chỉnh sự thiếu hụt ở người lớn.
Đối với trường hợp thiếu vitamin B6 do nhu cầu trao đổi chất tăng cao thì cần liều vitamin B6 dùng hàng ngày lớn hơn.
Với hầu hết các trường hợp mắc bệnh bẩm sinh về chuyển hóa, vitamin B6 liều cao có thể có hiệu quả.
Ngoài việc bổ sung bằng đường uống, bạn nên cung cấp bằng các thực phẩm giàu vitamin B6 như: sữa, cá hồi, trứng, gan bò, thịt bò…
Bài viết đã cung cấp đầy đủ về nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị thiếu vitamin B6. Nếu thấy có nhiều triệu chứng như trên, hãy đến bác sĩ thăm khám để có được chẩn đoán chính xác nhất!
nguồn:st
CS1: 84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
CS2: Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
CS3: 31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
CS4: Phúc Xuyên ( cụm 11) Võng xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22h