Nguyên nhân và cách điều trị rụng tóc
Rụng tóc là tình trạng xảy ra khi số lượng tóc rụng đi nhiều hơn số tóc mọc hàng ngày. Nhiều trường hợp rụng tóc nhiều là do tóc không tiếp tục phát triển, dẫn đến hói đầu, thường xảy ra ở nam. Để chữa rụng tóc, có thể dùng thuốc, liệu pháp cấy tóc hoặc liệu pháp laser.
1. Ai là đối tượng dễ bị rụng tóc?
Rụng tóc có thể chỉ ảnh hưởng đến phần da đầu hoặc toàn bộ cơ thể (rụng lông). Nguyên nhân gây rụng tóc nhiều thường là do di truyền, thay đổi nội tiết tố, bệnh lý hoặc tác dụng không mong muốn của thuốc. Bất cứ ai cũng có thể bị rụng tóc. Tuy nhiên rụng tóc nam thường hay gặp hơn so với rụng tóc nữ.
Những đối tượng sau đây thường có nguy cơ cao bị rụng tóc, bao gồm:
- Trong gia đình có người bị hói đầu, có thể là họ hàng bên bố hoặc mẹ;
- Tuổi tác cao;
- Giảm cân nhanh;
- Mắc một số bệnh lý nhất định, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và lupus da;
- Gặp nhiều căng thẳng.
Nhiều trường hợp rụng tóc nhiều quá mức do yếu tố tuổi tác, dẫn đến hói đầu. Di truyền là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này.
Một số người thích để cho hiện tượng rụng tóc của họ diễn ra tự nhiên, không điều trị và cũng không tìm cách che giấu chúng. Những người khác có thể che đi phần đầu hói bằng tóc giả, vật trang trí, mũ hoặc khăn quàng cổ. Tuy nhiên, rất nhiều người khác chọn một trong những phương pháp điều trị để ngăn ngừa rụng tóc và phục hồi sự phát triển của tóc.
2. Nguyên nhân gây rụng tóc
Một người bình thường mất khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày, song điều này thường không gây ảnh hưởng đáng kể bởi vì tóc mới sẽ mọc lên song song. Như vậy, rụng tóc xảy ra khi chu kỳ mọc tóc này bị gián đoạn hoặc khi nang lông bị phá hủy và thay thế bằng mô sẹo, khiến cho lượng tóc rụng nhiều hơn lượng tóc mọc hàng ngày.
Rụng tóc thường liên quan đến một hoặc nhiều yếu tố sau đây:
2.1 Tiền sử gia đình (di truyền):
Nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc nam là di truyền, gây ra hói đầu. Đôi khi nguyên nhân này cũng gặp ở một số trường hợp rụng tóc nữ. Tình trạng này thường xảy ra song song với lão hóa và gần như có thể dự đoán được hình thái của tóc qua thời gian (xuất hiện các đốm hói đối với rụng tóc nam và tóc mỏng dần đối với rụng tóc nữ);
2.2 Thay đổi nội tiết tố và bệnh lý:
Một loạt các rối loạn liên quan đến hormone có thể gây rụng tóc vĩnh viễn hoặc tạm thời, bao gồm thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, sinh nở, mãn kinh và các vấn đề về tuyến giáp. Những nguyên nhân từ bệnh lý bao gồm bệnh rụng tóc từng vùng (alopecia areata), nhiễm trùng da đầu như khi nhiễm giun đũa và một hội chứng gọi là “nghiện giật tóc” (trichotillomania);
2.3 Thuốc và chất bổ sung:
Rụng tóc có thể gây ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, thuốc dùng trong bệnh tim, huyết áp cao và thuốc trị gout;
2.4 Xạ trị lên phần đầu:
Tóc có nguy cơ không thể mọc lại như trước;
2.5 Căng thẳng:
Nhiều người gặp tình trạng tóc rụng nhiều sau khi nhận một cú sốc về thể chất hoặc tinh thần. Loại này chỉ xuất hiện tạm thời;
2.6 Một số kiểu tóc và phương pháp điều trị:
Những kiểu “làm tóc” lạ hoặc thắt tóc quá chặt, chẳng hạn như thắt bím tóc hoặc thắt tóc kiểu cornbow (tóc dính sát da đầu kiểu hình hạt bắp) có thể là nguyên nhân gây rụng tóc. Ngoài ra, việc áp dụng những phương pháp điều trị trên tóc (như dùng dầu nóng) tiến hành lâu dài có thể gây viêm nang lông, dẫn đến rụng tóc. Nếu để xảy ra sẹo, có thể rụng tóc vĩnh viễn.
3. Phương pháp chữa rụng tóc
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng rụng tóc ở cả nam và nữ. Bạn hoàn toàn có thể đảo ngược chứng rụng tóc hoặc ít nhất là làm chậm tiến trình này. Với một số bệnh lý, chẳng hạn như rụng tóc từng vùng, tóc có thể mọc lại mà không cần điều trị gì trong vòng một năm.
Phương pháp điều trị rụng tóc bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật để kích thích mọc tóc và làm chậm rụng tóc.
3.1. Sử dụng thuốc
Nếu rụng tóc do một căn bệnh tiềm ẩn nào đó gây ra, việc chẩn đoán và chữa trị bệnh lý đó là điều cần thiết. Quá trình điều trị có thể bao gồm các loại thuốc để giảm viêm và ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân, chẳng hạn như thuốc prednisone. Nếu một loại thuốc nào đó có khả năng gây rụng tóc, bác sĩ sẽ khuyên bạn ngừng sử dụng thuốc trong ít nhất ba tháng.
Các thuốc điều trị hói đầu (do di truyền) bao gồm:
- Minoxidil (biệt dược Rogaine): Đây là một loại thuốc không kê đơn được phê duyệt trong điều trị rụng tóc nam và nữ. Thuốc ở dưới dạng chất lỏng hoặc bọt, bôi lên da đầu hàng ngày. Lúc đầu, thuốc có thể khiến bạn rụng tóc. Tóc mới có thể ngắn và mỏng hơn tóc cũ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần kiên trì ít nhất 6 tháng điều trị để ngăn ngừa rụng tóc và để tóc bắt đầu mọc lại. Bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc Minoxidil để duy trì lợi ích chữa rụng tóc;
- Finasteride (biệt dược Propecia): Đây là một thuốc cần được bác sĩ kê đơn, được phê duyệt dành cho trường hợp rụng tóc nam. Dạng dùng của thuốc là dạng viên. Finasteride có tác dụng làm tóc rụng chậm hơn với phần lớn nam giới, thậm chí một số người còn nhận thấy có sự kích thích mọc tóc mới. Thuốc này có thể không mang lại hiệu quả rõ rệt cho nam giới trên 60 tuổi. Bệnh nhân cần dùng thuốc Finasteride liên tục để duy trì lợi ích chữa rụng tóc;
- Các loại thuốc khác tùy trường hợp: Đối với nam giới bị rụng tóc, thuốc uống dutasteride là một lựa chọn phù hợp. Đối với phụ nữ bị rụng tóc, điều trị với thuốc tránh thai và spironolactone có thể ngăn ngừa rụng tóc.
3.2. Phẫu thuật cấy tóc
Trong trường hợp bệnh nhân bị rụng tóc vĩnh viễn và thường chỉ có đỉnh đầu bị ảnh hưởng, kỹ thuật cấy tóc hoặc phẫu thuật phục hồi có thể tận dụng tối đa phần tóc còn lại của bệnh nhân.
Trong quá trình cấy tóc, bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ lấy ra những mảng da đầu nhỏ (mỗi mảng chứa từ một đến vài sợi tóc) ở phía sau đầu hoặc vùng quanh đầu của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ thực hiện cấy nang tóc vào phần hói ở đỉnh đầu. Một số bác sĩ khuyên dùng Minoxidil sau khi cấy ghép để giúp giảm thiểu tình trạng rụng tóc. Đôi khi người bệnh phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Mặc dù đã được cấy tóc, hiện tượng rụng tóc do di truyền vẫn sẽ xảy ra. Các kỹ thuật để điều trị hói đầu thường khá tốn kém và gây đau đớn. Rủi ro xảy ra bao gồm chảy máu và để lại sẹo.
3.3. Liệu pháp laser
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt liệu pháp sử dụng laser để chữa rụng tóc do di truyền ở nam và nữ. Một vài nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng, phương pháp này giúp cải thiện mật độ tóc. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh tác dụng về lâu dài.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả của rụng tóc
Nếu đã bị rụng tóc nhiều và muốn khắc phục hậu quả của tình trạng này có thể dùng các sản phẩm hỗ trợ, chẳng hạn như khăn quàng cổ hoặc tóc giả. Trao đổi thêm với một nhà tạo mẫu tóc để lên ý tưởng cho “mái tóc mới” của bạn. Những giải pháp phi y học này có thể được áp dụng trong quá trình điều trị rụng tóc lâu dài.
Khi nhận thấy tóc rụng nhiều thì cần đi thăm khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân, khi đó mới có thể tìm cách cải thiện hoặc chữa trị phù hợp. Khi chưa xác định được nguyên nhân gây rụng tóc, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trị nấm, thuốc bôi ngoài da hoặc các thuốc chữa rụng tóc không rõ nguồn gốc.
nguồn:st
84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay,Airpay, Momo,Vin Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22hh
Hotline: 1900 636 731