Những điều cần biết về bệnh thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra Bệnh thủy đậu có thể xảy ra ở mọi nơi, hay gặp ở vùng khí hậu nhiệt đới. Bệnh thường gặp vào mùa đông và đầu xuân, mức độ mắc thủy đậu thường cao hơn trong các tháng lạnh, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi, viêm não, viêm cầu thận cấp…
1. Bệnh thủy đậu là gì?
Thuỷ đậu là bệnh do Varicella zoster virus (VZV) gây ra. VZV có đặc tính phát ban các đợt liên tiếp với những đặc điểm đi kèm như: ngứa rát, nổi sẩn, mụn nước, mụn mủ, vảy tiết mọc lên trên bề mặt da, nếu để bội nhiễm sẽ thành sẹo. Bệnh thủy đậu có thể chữa khỏi hoàn toàn sau 1 – 2 tuần nếu được điều trị và chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên, nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não, viêm cầu thận cấp.. là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này, xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, người lớn và ở những người có hệ miễn dịch kém
Các thể lâm sàng của thủy đậu:
- Thuỷ đậu xuất huyết (Hemorrhagic varicella): hiếm khi gặp ở trẻ em bị thủy đậu, biểu hiện ở việc xuất huyết trong mụn mủ.
- Thuỷ đậu hoại tử (Varicella gangrenosa): thường gặp ở trẻ em bị bệnh bạch cầu cấp hoặc các bệnh nặng khác, có đặc tính là tổn thương loét hoại tử.
- Thuỷ đậu xuất huyết trong chứng đông máu rải rác nội mạch
2. Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?
2.1 Bệnh thủy đậu có lây không?
Đầu tiên cần khẳng định bệnh thủy đậu là một trong những bệnh dễ lây lan nhất, đặc biệt là với những người chưa từng mắc thủy đậu nếu chưa được tiêm phòng vắc-xin thủy đậu, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể lên tới hơn 90%.Phương thức lây truyền Vậy bệnh thủy đậu lây lan qua đường nào?Phương thức lây truyền bệnh thủy đậu là từ người sang người bằng các con đường sau:
1. Lây trực tiếp qua đường hô hấp:
Virus gây bệnh thủy đậu tồn tại trong các giọt nước bọt rất nhỏ có trong không khí, phát ra từ người nhiễm bệnh khi người này nói chuyện, ho, hắt hơi. Phương thức lây truyền này có tên gọi là nhiễm trùng giọt bắn
2. Lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với vật trung gian:
Một trong những con đường lây nhiễm bệnh thủy đậu nhanh nhất chính là tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị viêm nhiễm, mọc mụn nước của người bệnh. Ngoài ra, nếu tiếp xúc, chạm vào vật dụng cá nhân, sinh hoạt, giường chiếu của người bệnh thì nguy cơ lây nhiễm cũng khá cao.
Virus thuỷ đậu sẽ xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên, miệng hầu sau đó nhân lên tại chỗ và gây nhiễm virus tiên phát. Sau đó VZV nhân lên trong tế bào hệ thống liên võng nội mô rồi gây nhiễm virus thứ phát và lan tràn đến da và niêm mạc.VZV sẽ xâm nhập vào lớp tế bào đáy, lớp gai nhân lên hình thành các hốc nhỏ và gây thoái hoá hình cầu ở tế bào biểu mô, tích tụ dịch phù, thoái hoá mụn nước và tạo thành những chất vùi trong nhân. Cũng tương tự như các loại virus Herpes, virus VZV trở thành pha tiềm ẩn, trú ngụ ở hạch cảm giác, tái hoạt của VZV có thể gây nên bệnh zona (Herpes zoster). Trong các thể có biến chứng virus có thể gây những ổ viêm phổi kẽ và những ổ huỷ myelin trong não.
2.2 Bệnh thủy đậu khi nào hết lây?
Quá trình lây truyền có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch. Tỷ lệ tấn công thứ phát ở những người cảm nhiễm sống cùng trong gia đình là 70 – 90%. Bệnh nhân zona có thể lan truyền bệnh trong một tuần sau khi mọc ban. Cơ thể bệnh nhân cảm nhiễm có thể bị mắc bệnh sau khi phơi nhiễm từ 10 – 21 ngày. Vậy bệnh thủy đậu lây lúc nào là mạnh nhất? Theo đó, trong các giai đoạn phát bệnh, giai đoạn toàn phát khi người bệnh bắt đầu xuất hiện những nốt mụn nước khắp cơ thể, khả năng lây nhiễm sang người khác là cao nhất. Sau giai đoạn này, mức độ lây nhiễm sẽ giảm xuống, tuy nhiên nếu người bệnh không sớm hồi phục thì khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra.
3. Thời gian ủ bệnh và triệu chứng
3.1 Bệnh thủy đậu ủ bệnh bao lâu?
Thủy đậu phát triển trong khoảng 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu.Thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần, thông thường là từ 14 – 16 ngày.
3.2 Triệu chứng:
Tiền triệu chứng: các triệu chứng sơ khai sẽ nặng nhẹ tùy trường hợp, Người bệnh bắt đầu sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu và phát ban đỏ có đường kính vài milimet từ 24 – 48 giờ. Một số trường hợp có thể bị viêm họng và nổi hạch sau tai. Các dấu hiệu nhận biết của bệnh thủy đậu ở giai đoạn này rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Vì vậy, bạn nên thăm khám càng sớm càng tốt, nhất là trong mùa dịch khi cơ thể có những dấu hiệu này để xác định chính xác nguyên nhân và có cách chăm sóc, điều trị phù hợp.
3.3 Giai đoạn toàn phát:
Sau 24 – 36h khi có tiền triệu chứng xuất hiện thì người bệnh sốt , đau đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói và có triệu chứng phát ban. Ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, đường kính 1-3mm, chứa chất dịch bên trong. Các tổn thương ban đầu thường mọc ở đầu và mặt, sau đó lan ra thân mình và các chi. Mọc nhiều ở vùng ít tỳ ép như: vùng liên bả, bên sườn, nách, kheo, có khi dày đặc ở mặt và thân mình, ít hơn ở các chi. Riêng bàn chân và bàn tay hiếm khi bị.
Ngoại ban ban đầu dạng vết chấm, nổi sẩn phù (thường không quan sát thấy), sau này thành mụn nước (trong vòng 24 – 48h), mụn nước sẽ như giọt nước, nông, có thành mỏng, có quầng viêm đỏ xung quanh. Thường kèm theo các cơn ngứa ran.
Trong vòng 8 – 12h, mụn nước chứa dịch màu vàng nhạt, trở nên lõm xuống và nhanh chóng trở thành mụn mủ màu trắng mịn, sau chuyển thành vảy tiết màu đỏ nâu. Vảy tiết rụng sau 1-3 tuần, lúc khỏi để lại vết hồng, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn( nếu bị bội nhiễm).
3.3 Bệnh thủy đậu sốt mấy ngày?
Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân sẽ bị sốt, mệt mỏi nhẹ toàn thân trong khoảng 2 – 3 ngày. Nếu thời gian sốt kéo dài hơn đồng thời trẻ nhỏ có biểu hiện sốt cao trên 39 độ kèm với thở khó khăn, co giật, còn người lớn là trên 39,5 độ thì cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ ngay. Vì rất có thể bệnh nhân đã gặp các biến chứng nguy hiểm của bệnh, rất cần được can thiệp và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc sau này.
4. Cách thức phòng ngừa
Tất cả những người chưa từng bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc-xin thuỷ đậu đều có khả năng cảm nhiễm với bệnh. Thông thường, người lớn bị mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Sau khi mắc bệnh người bệnh sẽ có khả năng miễn dịch lâu dài, ít khi mắc bệnh lần thứ hai hơn ở những người suy giảm miễn dịch.
4.1 Cách thức phòng ngừa bệnh thủy đậu
– Tạo khả năng miễn dịch:
Hiện nay có vắc-xin Varivax có tác dụng đến 80% phòng nhiễm VZV tiên phát, được chỉ định cho các bệnh nhân có nguy cơ cao mắc thuỷ đậu như trẻ em, trẻ bị bệnh bạch cầu cấp, bệnh nhân thiếu hụt miễn dịch (đang điều trị nhiễm HIV, ung thư). Vắc-xin VZV gây cả miễn dịch trung gian tế bào và tạo kháng thể chống lại virus.
– Tiêm chủng cho người xung quanh:
Ngoài ra cần bảo vệ những người trong gia đình, cho những người tiếp xúc gần người bệnh bằng cách tiêm chủng vắc-xin thủy đậu sống giảm độc lực.
- Trẻ từ 12 tháng-12 tuổi: tiêm 1 liều 0,5 ml dưới da. Sau 4 năm nhắc lại mũi thứ 2
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên: tiêm 2 liều cách nhau 4 – 8 tuần.
Đặc biệt trong thời kỳ bệnh đang lây lan mạnh nên chủ động cách ly người bệnh, tránh lây lan.
84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay,Airpay, Momo,Vin Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22hh
Hotline: 1900 636 731