Những lưu ý khi dùng thực phẩm chức năng ở người bệnh đái tháo đường
Sử dụng thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc tiểu đường và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Để phòng ngừa, trước khi sử dụng, người bệnh tiểu đường cần lưu ý về một số tương tác có thể xảy ra.
1. Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường hay dân gian thường gọi là bệnh tiểu đường, là một bệnh mãn tính phổ biến, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất.
Insulin là một loại hormone điều chỉnh lượng glucose trong máu. Tăng đường huyết là một tác động phổ biến của bệnh tiểu đường không được kiểm soát và theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.
Tiểu đường là bệnh mãn tính phổ biến có số người mắc ngày một gia tăng.
2. Những loại thuốc nào thường dùng để điều trị bệnh tiểu đường?
Nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường đã được phê duyệt để kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống, như chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất, không đủ để kiểm soát lượng đường trong máu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị.
Metformin là một loại thuốc được lựa chọn đầu tiên phổ biến, cùng các loại thuốc khác như acarbose, thiazolidinedione, sulfonylurea…
Thuốc điều trị tiểu đường thường an toàn nhưng giống như nhiều loại thuốc khác, có thể có tác dụng phụ hoặc tương tác với các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác mà bạn đang dùng.
3. Thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc tiểu đường
Thực phẩm chức năng là một thuật ngữ rộng, mô tả các sản phẩm mà mọi người thêm vào chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe. Thực phẩm chức năng thông thường bao gồm vitamin, khoáng chất, thảo mộc, thực vật, và chế phẩm sinh học.
Một số sản phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc tiểu đường.
Một số thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thuốc điều trị tiểu đường. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để tránh những tương tác bất lợi và đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị…
Thực phẩm chức năng được phân loại là thực phẩm không phải là thuốc nên không phải tuân theo các tiêu chuẩn quản lý và giám sát tương tự như thuốc kê đơn. Tuy nhiên, một số có thể tương tác với thuốc tiểu đường. Nhiều loại có thể thay đổi cách cơ thể chuyển hóa (phân hủy) thuốc điều trị tiểu đường hoặc có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với insulin.
4. Dưới đây là các tương tác có thể xảy ra cần lưu ý
4.1 Vitamin B3
Niacin (vitamin B3) được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà… Nó cũng được sử dụng như một chất bổ sung để giúp giảm cholesterol cao, có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim.
Tuy nhiên, niacin và thuốc tiểu đường có thể không phải là sự kết hợp an toàn. Vì niacin có thể làm tăng lượng đường trong máu. Nó cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường vì niacin có thể làm cho cơ thể ít nhạy cảm hơn với insulin.
Vì vậy, khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên sử dụng thận trọng. Nên theo dõi lượng đường trong máu chặt chẽ hơn nếu bắt đầu dùng vitamin B3. Nếu nhận thấy các triệu chứng của lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết), như đau đầu, cảm thấy khát và đi tiểu thường xuyên hơn, cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị.
4.2 Nhân sâm
Nhân sâm là một loại thực vật đã được sử dụng trong y học hàng ngàn năm. Nhân sâm được sử dụng vì nhiều lý do khác nhau, từ hỗ trợ trí nhớ, tăng cường hệ thống miễn dịch đến các lợi ích sức khỏe tình dục.
Nghiên cứu cho thấy rằng, nhân sâm có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói và hemoglobin A1C (HbA1c) ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Nếu bắt đầu dùng nhân sâm với thuốc điều trị tiểu đường, cần theo dõi lượng đường trong máu chặt chẽ hơn vì lượng đường trong máu có thể giảm xuống quá thấp. Cần lưu ý các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), như chóng mặt, tim đập nhanh và nhanh đói.
Lưu ý: Có nhiều loại nhân sâm và không phải tất cả đều có tác dụng giống nhau đối với lượng đường trong máu. Cách nhân sâm được trồng, chế biến và chiết xuất có thể ảnh hưởng đến cách nó làm giảm lượng đường trong máu.
4.3 Lô hội
Lô hội có nguồn gốc từ Châu Phi và là một trong hơn 400 loài thuộc chi Lô hội. Các thành phần hoạt động chính được cho là bao gồm carbohydrate (ví dụ, mannan, polysaccharides giàu galactose), và axit galacturonic.
Lô hội có thể có tương tác tiềm ẩn với thuốc tiểu đường.
Một loạt các ứng dụng lâm sàng của loại cây này từ dược mỹ phẩm cho đến miễn dịch và chăm sóc sức khỏe. Trong bệnh tiểu đường, lô hội đã được chứng minh là làm giảm đáng kể lượng đường trong máu.
Lô hội có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói ở những người bị tiền tiểu đường. Nó cũng có thể làm giảm HbA1c đối với những người đã mắc bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu báo cáo các tương tác tiềm ẩn giữa lô hội và các loại thuốc trị tiểu đường.
4.4 Ginkgo biloba
Ginkgo biloba là một chất bổ sung mà mọi người sử dụng cho nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm chứng mất trí, lo lắng và ù tai…
Nghiên cứu cũng cho thấy, ginkgo biloba có thể làm tăng lượng đường trong máu ở những người dùng thuốc điều trị tiểu đường vì có thể khiến gan phân hủy insulin nhanh hơn. Để an toàn, hãy để ý các triệu chứng đường huyết cao, như nhức đầu, mệt mỏi hoặc đi tiểu thường xuyên hơn. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị về việc có nên kết hợp metformin với ginkgo biloba hay không.
4.5 Gừng
Gừng là một loại cây đa năng đã được sử dụng hàng ngàn năm để tạo hương vị cho thực phẩm, nhưng cũng được sử dụng để điều trị một số bệnh như buồn nôn và đau bụng kinh. Gừng thô chứa tới 9% lipid hoặc glycolipid và khoảng 5 – 8% nhựa dầu. Chiết xuất của gừng được sử dụng như một loại thuốc của liệu pháp truyền thống cho nhiều tình trạng sức khỏe. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng gừng cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu, nên cần thận trọng khi sử dụng.
nguồn:st
84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay,Airpay, Momo,Vin Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22hh
Hotline: 1900 636 731