Sốt xuất huyết ăn gì và chăm sóc ra sao?
Sốt xuất huyết thực sự là một “cơn sốt” xảy ra rộng rãi trên toàn thế giới khi chưa có vắc xin phòng bệnh và nó luôn trở lại hàng năm, khiến cho một người thậm chí có thể bị mắc đi mắc lại vài lần. Bên cạnh việc lưu ý đến phác đồ điều trị sốt xuất huyết bằng đường thuốc, bệnh nhân cũng cần quan tâm đến vấn đề: sốt xuất huyết ăn gì và chăm sóc ra sao, bởi chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe người bệnh.
1. Nguy cơ mắc sốt xuất huyết cần lưu ý
Bệnh sốt xuất huyết gây ra bởi virus Dengue thông qua vết đốt của muỗi vằn Aedes. Loại virus này phát triển nhanh trong cơ thể người và có thể nhanh chóng làm cho người lành nhiễm bệnh chỉ trong vòng từ 2 – 3 ngày sau khi bị muỗi đốt.
Khí hậu ở Việt Nam là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn sinh sôi nảy nở, đặc biệt là vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10, đó là khoảng thời gian nền nhiệt và độ ẩm thường cao, thuận lợi để muỗi phát triển với số lượng lớn. Miền Bắc Việt Nam chứng kiến sự thay đổi thời tiết 4 lần trong năm qua các mùa xuân, hạ, thu, đông nên thời điểm muỗi hoạt động mạnh mẽ nhất là những tháng trên. Tuy nhiên tại các tỉnh miền Nam, muỗi phân bố khá dày đặc cộng với nhiệt độ nóng ẩm quanh năm nên dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Bệnh sốt xuất huyết gây ra bởi virus Dengue thông qua vết đốt của muỗi vằn Aedes
2. Triệu chứng và giai đoạn phát triển của sốt xuất huyết
Người bị bệnh sốt xuất huyết sẽ trải qua 3 giai đoạn phát triển bệnh, đó là:
Giai đoạn 1
Thời điểm này sẽ kéo dài khoảng 2 – 3 ngày, bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện của sốt virus thông thường, nhiệt độ cơ thể duy trì từ 39 – 40 độ C và khó hạ sốt, trên cơ thể có thể xuất hiện những nốt phát ban chấm đỏ.
Khi bị sơ nhiễm triệu chứng của sốt xuất huyết rất giống với sốt virus thông thường
Giai đoạn 2
Triệu chứng khác sẽ khởi phát sau ngày thứ 3. Lúc này virus Dengue khi đã “ngấm” sâu vào cơ thể sẽ gây ra hàng loạt những tổn thương nghiêm trọng: hệ thần kinh suy yếu, bệnh nhân sốt li bì và hay trong trạng thái lơ mơ, đau đầu, buồn nôn, toàn thân đau nhức, xuất hiện dấu hiệu xuất huyết trong như đi ngoài ra máu, xuất huyết nội tạng, chảy máu mũi, chảy máu chân răng. Bệnh nhân cần được nhập viện để điều trị kịp thời nếu không nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Giai đoạn 3
Sau khi được chữa trị kịp thời nhằm làm giảm các triệu chứng trên, bệnh nhân sẽ dần hồi phục, khát nước, thèm ăn, huyết áp ổn định,… và khỏi bệnh.
Để bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương nghiêm trọng do virus Dengue gây ra, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm sốt xuất huyết ngay từ giai đoạn đầu và thực hiện điều trị tại nhà hoặc nội trú theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy vào thể trạng của mỗi người mà mức độ và diễn biến tình trạng bệnh sốt xuất huyết sẽ khác nhau.
3. Vậy nếu mắc sốt xuất huyết ăn gì và chăm sóc ra sao?
Sau khi xét nghiệm cho ra kết quả Dengue dương tính (+), nếu bệnh mới ở giai đoạn khởi phát, sơ nhiễm thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bệnh nhân tự điều trị tại nhà hoặc nằm viện để theo dõi thêm. Lúc này người bệnh cần phải chuẩn bị tâm lý và kiến thức cần thiết để đối phó với bệnh dịch này, bởi sẽ có rất nhiều người hoang mang không biết sốt xuất huyết ăn gì và chăm sóc ra sao nếu không may bị lây nhiễm.
3.1. Chế độ dinh dưỡng dành cho người sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết người bệnh cần phải nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Các loại nước được khuyến khích sử dụng để bù nước cho cơ thể người bệnh là nước hoa quả như chanh, cam, nước dừa, oresol. Bên cạnh đó không nên ăn thức ăn khó tiêu mà tốt hơn hết là ăn đồ loãng dễ tiêu như súp, cháo hoặc uống sữa.
Tránh các loại thực phẩm có màu đỏ thẫm, màu đen hoặc nâu do trong quá trình bị nhiễm bệnh người bệnh có thể đi ngoài ra phân đen, hoặc khi nôn mửa sẽ ói ra máu nếu bị xuất huyết dạ dày, vì vậy không nên ăn những loại thực phẩm sẫm màu để phân biệt với những biểu hiện xuất huyết trên của bệnh.
3.2. Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Bệnh nhân vẫn có thể tắm rửa bình thường khi bị nhiễm sốt xuất huyết, nhưng do tính chất của bệnh này là “xuất huyết” nên khi tắm cần tránh các động tác kỳ cọ mạnh, vì khi đó dễ gây ra chảy máu. Ngoài ra khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể đang cao bệnh nhân nên hạn chế tắm gội để tránh việc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, thất thường khiến bệnh tiến triển nặng thêm. Thay vào đó người bệnh nên vệ sinh cơ thể bằng cách lau rửa nhẹ nhàng, không nên tắm quá lâu.
Nên lưu ý rằng khác với sốt virus thông thường, khi chuyển sang giai đoạn 2 của sốt xuất huyết thì triệu chứng sốt cao sẽ thuyên giảm rõ rệt và sau đó các triệu chứng nghiêm trọng sẽ xuất hiện như hạ tiểu cầu, tăng tính thấm thành mạch, chảy máu nhiều khu vực.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần uống thật nhiều nước và nghỉ ngơi
Chính vì vậy nên trong thời gian bị sốt người bệnh nên hạn chế tắm gội để tránh tình trạng giãn tĩnh mạch, nguyên nhân gây xuất huyết trên cơ thể. Nếu bất đắc dĩ phải tắm thì phải tắm nước ấm, nếu tắm bằng nước lạnh thì sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài da sẽ gây nên hiện tượng đứt mạch máu, khiến bệnh nhân rất dễ bị tử vong.
Lưu ý
Trong khi bệnh nhân sốt nằm nghỉ ngơi, phải tiến hành đo nhiệt độ cơ thể thường xuyên tầm 4 – 6h/lần. Nếu sốt từ 38.5 độ trở lên thì uống thuốc hạ sốt paracetamol, tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt có chứa aspirin, ibuprofen hay analgin vì nó sẽ gây tác dụng phụ là xuất huyết.