Tại sao người bệnh suy thận bị thiếu máu ?
Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính và không có khả năng hồi phục theo thời gian do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của nephron.
Suy thận mạn tính là bệnh lý nguy hiểm, tiến triển âm thầm nên nhiều người bệnh phát hiện muộn, gây biến chứng nặng nề và tiên lượng ảnh hưởng sức khỏe. Một trong những biến chứng nguy hiểm khiến người bệnh suy thận mạn tử vong là thiếu máu.
1.Tại sao người bệnh suy thận bị thiếu máu?
Để khẳng định bị thiếu máu do suy thận mạn, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm máu liên quan. Nguyên nhân khiến người bệnh suy thận mạn bị thiếu máu rất đa dạng, bao gồm:
– Giảm lượng hormone sản xuất hồng cầu
Thận không chỉ giữ vai trò lọc máu mà còn thực hiện chức năng sản sinh hormone erythropoietin – hormone kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu. Đồng thời người bệnh suy thận mạn cũng bị giảm chức năng sản xuất hormone này, theo đó việc hình thành hồng cầu cũng suy giảm, trực tiếp gây thiếu máu.
– Thiếu sắt:
Nguyên nhân khiến cơ thể người bệnh bị thiếu sắt do bị mất máu, chảy máu do hàm lượng ure cao hoặc chảy máu đường tiêu hóa. Khi sắt không được cung cấp đủ thì quá trình sản xuất hồng cầu sẽ bị ảnh hưởng, từ đó gây thiếu máu.
– Chảy máu qua đường tiêu hóa
Một trong những biến chứng mà người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải đối mặt là xuất huyết tiêu hóa. Đây là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, không chỉ khiến người bệnh mất máu mà còn nguy cơ cao gây sốc, tử vong,…
– Thiếu dinh dưỡng:
Để giảm bớt gánh nặng cho thận, chế độ ăn uống của người bệnh suy thận mạn phải kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm. Đồng thời các triệu chứng của bệnh suy thân mạn cũng khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, chán ăn, không muốn ăn.
Khả năng hấp thu thức ăn kém khiến người bệnh bị thiếu dinh dưỡng; nhất là các chất tham gia vào quá trình tái tạo hồng cầu như: vitamin nhóm B (B6, B9, B12), sắt,… Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu.
– Chạy thận nhân tạo:
Trong quá trình chạy thận, máu sẽ được chuyển ra khỏi cơ thể và đi vào hệ thống thiết bị, ống dẫn lọc. Điều này khiến cơ thể bị mất một lượng máu sau mỗi lần thực hiện. Do đó, nếu chạy thận trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến triệu chứng thiếu máu ở người bệnh suy thận.
Không chỉ vậy, thiếu máu còn do các yếu tố khác như: bệnh suy tuyến giáp, suy tủy, thời gian sống của hồng cầu ngắn,…
2. Dấu hiệu thiếu máu ở người bệnh suy thận
Thiếu máu trong suy thận mạn tính có biểu hiện rất rõ ràng và dễ nhận biết, cụ thể:
- Cơ thể luôn có cảm giác mệt mỏi; bị yếu đi rõ rệt
- Đau nhức đầu và giảm sự tập trung
- Chóng mặt, da xanh xao
- Khó thở hoặc mất nhịp thở
- Đau tức ngực
- Nhịp tim nhanh bất thường.
3. Điều trị triệu chứng thiếu máu ở người bệnh suy thận
Trước khi tiến hành điều trị triệu chứng thiếu máu ở người bệnh suy thận, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiến hành một số xét nghiệm để đánh giá mức độ thiếu máu như: xác định số lượng hồng cầu, lượng sắt dự trữ, tình trạng lọc máu, mất máu, chế độ dinh dưỡng,…
Dựa vào nguyên nhân và mức độ thiếu máu, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp với người bệnh:
– Truyền khối hồng cầu:
Truyền khối hồng cầu là phương pháp khắc phục tình trạng thiếu máu nhanh chóng. Phương pháp này chỉ áp dụng trong trường hợp người bệnh bị mất máu cấp tính, thiếu máu quá nhiều hoặc không thể thực hiện ESAS do rủi ro hoặc không hiệu quả.
Tuy nhiên truyền máu quá nhiều có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe như: quá tải sắt, nhiễm virus, xuất hiện kháng thể kháng lại kháng nguyên HLA, giảm cơ hội ghép thận thành công.
– Bổ sung sắt:
Người bệnh suy thận cần phải bổ sung sắt để tăng quá trình tạo máu, giúp cơ thể tăng miễn dịch, cải thiện khả năng nhận thức, điều nhiệt,….; sắt được đưa vào cơ thể thông qua dạng viên uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Trong quá trình truyền sắt, nhân viên y tế sẽ theo dõi nghiêm ngặt để kịp thời xử lý các phản ứng nghiêm trọng.
– Bổ sung Erythropoietin:
Nếu thiếu máu là do cơ thể bị thiếu hụt Erythropoietin thì người bệnh nên bổ sung nội tiết này bằng cách tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch. Liều lượng sẽ được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào mức độ thiếu máu, cân nặng, triệu chứng lâm sàng.
Tóm lại, tình trạng thiếu máu trong suy thận mạn tính không chỉ khiến cho sức khỏe của người bệnh giảm sút, luôn trong tình trạng mệt mỏi mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng thành các bệnh lý khác như suy tim, đột quỵ, tử vong…
Do vậy, khi được chẩn đoán thiếu máu, người bệnh suy thận mạn tính cần phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và có thể kết hợp với chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, tăng thực phẩm bổ máu và nghỉ ngơi điều độ để có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị.
nguồn:st
Nhà Thuốc Gia Đình:
CS1: 48,Vũ Phạm Hàm, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
CS2: Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
CS3: 31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
CS4: Phúc Xuyên ( cụm 11) Võng xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22h