Tìm hiểu tật dính thắng lưỡi ở trẻ em
Dính thắng lưỡi ở trẻ em là một trong những dị tật bẩm sinh ít được biết đến, có thể làm hạn chế quá trình cử động bình thường của lưỡi và sự phát âm của trẻ.
1. Tật dính thắng lưỡi là gì?
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có nguy cơ mắc phải do bị ngắn dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi.
Theo thống kê thì sẽ có khoảng 5% trẻ sơ sinh sẽ bị mắc dị tật này sau khi sinh và được phát hiện ngay trong tháng đầu sau sinh khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm chủng; hoặc trẻ sẽ được phát hiện tật dính thắng lưỡi muộn hơn khi cha mẹ thấy bé khó bú, khó phát âm hay lên cân chậm. Tật dính thắng lưỡi ở trẻ em có thể bị dính nhiều hoặc dính ít.
2. Phát hiện tật dính thắng lưỡi ở trẻ em bằng cách nào?
Dính thắng lưỡi là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ gặp phải nhiều khó khăn khi bú nên trẻ sẽ chậm lên cân hoặc bú rất lâu. Tùy thuộc vào mức độ và lứa tuổi mắc phải dị tật mà biểu hiện sẽ khác nhau, cụ thể:
- Dây thắng lưỡi ngắn và làm hạn chế cử động của lưỡi;
- Đầu lưỡi của trẻ không thè ra bên ngoài môi được;
- Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng;
- Khi trẻ khóc thì đầu lưỡi có hình trái tim;
- Khi trẻ thè lưỡi thì có hình nhọn hoặc hình vuông;
- Dính thắng lưỡi làm cho các răng cửa hàm dưới bị nghiêng hoặc hở;
- Trẻ gặp khó khăn khi bú và phát âm cũng khó khăn hơn.
3. Phân loại mức độ dính thắng lưỡi ở trẻ em
Để có thể phân loại mức độ dính thắng lưỡi ở trẻ em thì cần phải dựa theo chiều dài của thắng lưỡi được đo từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi, có các mức độ sau:
- Mức độ 1: Trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ từ 12-16 mm;
- Mức độ 2: Trẻ bị dính thắng lưỡi trung bình từ 8-11 mm;
- Mức độ 3: Trẻ bị dính thắng lưỡi nặng từ 3-7 mm;
- Mức độ 4: Trẻ bị dính thắng lưỡi hoàn toàn dưới 3 mm.
4. Trẻ bị dính thắng lưỡi khi nào có thể cắt được?
Ngay khi phát hiện ra trẻ bị tật dính thắng lưỡi thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và đánh giá chính xác mức độ dính thắng lưỡi xem có phải cắt hay không.
Thông thường chỉ định cắt thắng lưỡi sẽ phụ thuộc vào mức độ bị dính nhiều hay ít và mức độ ảnh hưởng đến quá trình phát âm, bú mẹ của trẻ. Trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi nhiều và ảnh hưởng đến việc bú thì sẽ sẽ chỉ định cắt sớm, khi dính thắng lưỡi gây ra ảnh hưởng cho việc phát âm thì cần phải được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, đánh giá trước mổ để loại trừ các trường hợp gây phát âm khó khác ở trẻ.
Ngoài ra, kỹ thuật cắt thắng lưỡi còn phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ, khi trẻ dưới 3 tháng tuổi thì cần giữ cho đầu của trẻ thật chặt, có thể chỉ bôi hoặc tiêm thuốc tê cho trẻ rồi dùng dao điện để cắt thắng lưỡi, kỹ thuật này có thể giúp trẻ bú lại được ngay sau khi cắt. Tuy nhiên, với trẻ lớn hơn thì có thể cắt dây thắng lưỡi dưới gây tê hoặc gây mê rồi dùng dao mổ hay máy cắt đốt để cắt thắng lưỡi và sau đó khâu lại, vài tuần sau vết thương mới lành
- Thông thường chỉ định cắt thắng lưỡi sẽ phụ thuộc vào mức độ bị dính nhiều hay ít
5. Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật dính thắng lưỡi
Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt dính thắng lưỡi ở trẻ em thì ngay tại vị trí cắt sẽ thường xuất hiện vết màu trắng, tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng vì hiện tượng này sẽ hết sau một vài tuần. Ngoài việc tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ thì cần theo dõi và chăm sóc cho trẻ thật cẩn thận, không nên cho trẻ cắn hoặc ngậm các vật cứng để tránh tình trạng chảy máu, không cho trẻ sờ vào vị trí cắt để tránh nhiễm trùng.
Ngoài ra, mỗi ngày cần vệ sinh miệng cho trẻ sau khi ăn và tập vận động lưỡi, cho trẻ uống nhiều nước để giúp làm sạch miệng.