Vaccine (vắc xin) là gì? Vì sao vắc xin phòng được bệnh?
2. Công dụng của Vaccine
Vacxin giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. Khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vacxin là vật lạ sẽ tiêu diệt và ghi nhớ chúng, từ đó tạo được trí nhớ miễn dịch. Về sau khi tác nhân bệnh thật xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng và hiệu quả để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh đó.
Nhờ có vacxin hàng triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh hay di chứng do bệnh dịch gây ra.
Khi chương trình tiêm chủng thực hiện tốt đa số mọi người đều được chủng ngừa một căn bệnh đó, đôi khi bệnh đó có thể biến mất hoàn toàn khỏi cộng đồng và chương trình tiêm chủng vacxin đó có thể dừng lại. Ví dụ bệnh đậu mùa. Tuy nhiên một số bệnh như bệnh sởi nếu dừng chương trình tiêm chủng, tỉ lệ tiêm chủng giảm xuống bệnh sẽ bùng phát rất nhanh.
3. Phân loại Vaccine
Trước đây vacxin được chia thành 3 loại: vacxin giải độc tố, vacxin chết, vacxin sống giảm độc lực. Ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ sinh học chúng ta có thêm 2 loại: vacxin chiết tách và vacxin tái tổ hợp.
3.1 Vacxin giải độc tố
Được sản xuất từ ngoại độc tố của vi khuẩn bằng cách làm mất tính độc nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên. Khi hệ miễn dịch tiếp nhận vacxin giải độc tố, chúng học cách chống lại độc tố tự nhiên. Hệ miễn dịch sản xuất ra các kháng thể trung hòa độc tố
Ví dụ: vacxin bạch hầu, vacxin uốn ván…
3.2 Vacxin bất hoạt (chết)
Được sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh đã chết. Các vacxin này an toàn và ổn định hơn vacxin sống, các vi sinh vật gây bệnh đã chết không thể đột biến trở lại. Các kháng nguyên chủ yếu kích thích đáp ứng miễn dịch.
Tuy nhiên vacxin chết đáp ứng miễn dịch yếu hơn vacxin sống nên được tiêm thành nhiều liều hoặc tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch. Điều này có thể hạn chế cho những người dân sống ở vùng không có điều kiện về chăm sóc y tế thường xuyên, không thể tiêm nhắc lại đúng lịch.
Ví dụ: vacxin ho gà, vacxin thương hàn, vacxin tả, vacxin Salk (phòng bại liệt), vacxin viêm não Nhật Bản…
3.3 Vacxin sống giảm độc lực
Được sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật giống với vi sinh vật gây bệnh đã được làm giảm độc lực không còn khả năng gây bệnh. Do vacxin sống, giảm độc lực gần giống như đáp ứng với nhiễm trùng tự nhiên nên chúng tạo ra đáp ứng miễn dịch và sinh kháng thể mạnh, thường gây ra miễn dịch lâu dài chỉ với 1 hoặc 2 liều.
Ví dụ: vacxin BCG sống, vacxin thương hàn, vacxin Sabin (phòng bại liệt), vacxin sởi…
Khi sử dụng cần phải hết sức đặc biệt quan tâm đến tính an toàn của vacxin sống, phải đảm bảo không còn khả năng gây bệnh hoặc chỉ gây bệnh nhẹ, và vi sinh vật phải có tính di truyền ổn định không trở lại độc lực ban đầu.
3.4 Vacxin tách chiết
Kháng nguyên được tách chiết từ vi sinh vật.
Ví dụ: kháng nguyên polysaccharid của cầu khuẩn màng não, polysaccharid của phế cầu…
3.5 Vacxin tái tổ hợp
Bằng công nghệ sinh học hiện đại, gen mã hóa cho kháng nguyên vi sinh vật cần có để làm vacxin được tách và tái tổ hợp vào E. coli hoặc một dòng tế bào thích hợp.
Ví dụ: vacxin tả, vacxin thương hàn…
Các nhà khoa học đang nghiên cứu vacxin tái tổ hợp cả trên vi khuẩn và virus cho HIV, dại và sởi.
4. Những vấn đề cần lưu ý
Đối tượng tiêm vaccine
Những người có nguy cơ cao nhiễm vi sinh vật gây bệnh mà chưa có miễn dịch. Trẻ em nên được tiêm chủng rộng rãi, đối với người lớn chỉ tiêm chủng cho những nhóm người có nguy cơ cao.
Tiêm chủng phải đạt trên 80% đối tượng chưa có miễn dịch mới có khả năng ngăn ngừa dịch. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.
Đối tượng tuyệt đối không được tiêm chủng vacxin
- Những người đang bị sốt cao
- Có biểu hiện dị ứng
- Vacxin sống giảm độc lực không được tiêm cho người bị thiếu hụt miễn dịch hoặc người đang dùng thuốc đàn áp miễn dịch, những người mắc bệnh ác tính và phụ nữ có thai
Thời gian tiêm chủng
- Tiêm chủng trước mùa dịch, đủ để cơ thể có thời gian hình thành miễn dịch
- Những vacxin tạo miễn dịch cơ bản phải tiêm chủng nhiều lần, cần có khoảng cách hợp lý giữa các lần tiêm chủng phù hợp với từng loại vacxin
- Thời gian tiêm chủng nhắc lại tùy thuộc vào thời gian duy trì được hình thành miễn dịch còn đủ hiệu lực bảo vệ của mỗi loại vacxin.
Liều lượng
Tùy thuộc vào từng loại vacxin và đường đưa vào cơ thể. Liều quá thấp sẽ không đủ khả năng để kích thích đáp ứng miễn dịch. Liều quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng dung nạp đặc hiệu.
Đường tiêm
- Chủng: con đường cổ điển, hiện nay ít dùng.
- Tiêm: tùy thuộc vào từng loại vacxin có thể tiêm trong da, dưới da, tiêm bắp.
- Uống: kích thích miễn dịch tại đường ruột hơn tiêm.
Tác dụng không mong muốn
Một số vacxin có thể gây tác dụng phụ nhẹ, tạm thời như sốt, đau nhức, sưng tấy tại nơi tiêm. Nếu tiêm chủng không đảm bảo vô khuẩn có thể gây nhiễm trùng.
Co giật, shock phản vệ có gặp nhưng với tỷ lệ rất thấp.
Tiêu chuẩn của vacxin
- An toàn: vô trùng, thuần khiết, không độc.
- Hiệu lực: gây miễn dịch ở mức độ cao và tồn tại lâu.
Bảo quản vacxin
Vacxin được bảo quản tốt ngay từ lúc sản xuất cho tới khi được tiêm vào cơ thể con người. Thường quy bảo quản các vacxin không giống nhau, nhưng đều cần được bảo quản trong điều kiện khô, tối và lạnh.
Nhiệt độ và ánh sáng phá hủy tất cả các loại vacxin, nhất là những vacxin sống. đông lạnh phá hủy nhanh các vacxin giải độc tố.
Nguồn: st
Nhà Thuốc Gia Đình:
CS1: 84,Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
CS2: Số 8, Mạc Thái Tổ, Yên Hoà , Cầu Giấy,Hà Nội
CS3: 31 Mạc Thái Tổ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
CS4: Phúc Xuyên ( cụm 11) Võng xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội
Hình thức thanh toán: COD, chuyển khoản, Vnpay Dược sĩ tư vấn miễn phí 7h-22h